A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần Thơ: Người dân kịp thời thụ hưởng chính sách tín dụng mới theo quy định

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2024/QÐ-TTg ngày 15/7/2024 về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ nỗ lực triển khai thực hiện chính sách tín dụng mới kịp thời để đảm bảo người dân kịp thời thụ hưởng.

Kịp thời cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Chia sẻ về việc triển khai thực hiện Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 10), ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc NHCSXH TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đã thực hiện cho 139.897 hộ vay trên 1.794 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa gần 210.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh.

_638180114259772961_hasthumb.png

Cần Thơ: Người dân kịp thời thụ hưởng chính sách tín dụng mới theo quy định. Ảnh: Internet

Ðến nay, dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 714 tỷ đồng, với 38.869 hộ còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn 0,2%. Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi này giúp các hộ dân từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Được biết, Quyết định số 10 quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978/QÐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình, bao gồm công trình cấp nước quy mô hộ gia đình và công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình. Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình là công trình, thiết bị, dụng cụ khai thác, thu, trữ và xử lý nước của hộ gia đình. Công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình là công trình vệ sinh hộ gia đình, công trình thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình.

Về đối tượng được vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (gọi là khách hàng). Vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Như vậy, đối tượng vay vốn được mở rộng đến các thị trấn thuộc huyện. Về điều kiện vay vốn, khách hàng cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Về phương thức cho vay, NHCSXH thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Ðoàn Thanh niên. Mức vốn cho vay tối đa 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng. Khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình cấp nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình. Thời hạn cho vay do NHCSXH thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa 5 năm (60 tháng).

Về lãi suất cho vay là 9%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Khách hàng vay vốn theo quy định tại Quyết định 10 không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Hộ có nhu cầu vay vốn liên hệ với UBND xã, thị trấn nơi cư trú hoặc Phòng giao dịch NHCSXH huyện để được hướng dẫn về hồ sơ thủ tục vay vốn và bình xét cho vay.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp hội đã phát huy hiệu quả hoạt động ủy thác NHCSXH, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TP. Cần Thơ. Hiện nay, toàn thành phố có 906 tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH do Hội quản lý, giúp cho 43.259 hộ vay vốn với tổng dư nợ tín dụng chính sách trên 1.905 tỷ đồng. Các cấp hội còn duy trì hoạt động của các nhóm phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn… giúp hàng trăm lượt chị vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các cấp hội quan tâm giúp hội viên phụ nữ trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất, kinh doanh; tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Đáng chú ý, hội tăng cường phát huy hiệu quả hoạt động các tổ, nhóm liên kết, các mô hình kinh tế tập thể do hội đảm nhận nhằm giúp hội viên, phụ nữ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2021 -2026, các cấp hội xây dựng và duy trì 156 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã; hỗ trợ 124 sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm xây dựng chuẩn OCOP của phụ nữ; hỗ trợ 625 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 2.507 lượt phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho 11.446 chị.

Với nhiều cách làm thiết thực, các cấp hội đã khơi dậy tinh thần lao động, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, nâng cao thu nhập, tạo việc làm bền vững, ổn định cuộc sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan