A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động giải quyết nhanh mâu thuẫn, chăm lo kịp thời người lao động

Theo Tổng LĐLĐVN, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra gần 40 cuộc ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp chậm trả lương, trả thưởng, vi phạm chế độ, chính sách đối với công nhân; người lao động (NLĐ) không đồng tình với điều kiện, mức tính thưởng của doanh nghiệp. Trước tình trạng trên, các cấp công đoàn đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ các bên thương lượng, đối thoại, tìm biện pháp giải quyết… qua đó quyền lợi của NLĐ được đảm bảo.

Chủ động giải quyết nhanh mâu thuẫn, chăm lo kịp thời người lao động

Công đoàn tỉnh Bình Dương trao hỗ trợ nhanh cho công nhân lao động. Ảnh: Đình Trọng

Tập trung bảo vệ quyền lợi, chăm lo NLĐ

Đầu tháng 7.2024, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, giải quyết chưa đúng các thủ tục về hợp đồng lao động, chưa thực hiện việc đóng BHXH cho NLĐ... đã dẫn đến nguy cơ tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, liên quan đến việc điều chỉnh tăng 6% lương tối thiểu vùng cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp.

Vì vậy LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị đã yêu cầu các cấp công đoàn tập trung công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho NLĐ. Phối hợp với các cơ quan rà soát đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định tăng lương tối thiểu vùng 6% cho NLĐ.

Từ sau ngày 1.7, trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng xảy ra một số vụ tranh chấp lao động do doanh nghiệp chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Ngay lập tức công đoàn cấp trực tiếp cơ sở và công đoàn tỉnh đã xuống nhà máy để đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp.

Cán bộ công đoàn tỉnh đã giải thích cho chủ doanh nghiệp về quy định mới, bối cảnh tuyển dụng lao động, mức chi tiêu và đời sống NLĐ. Sau khi trao đổi với công đoàn, các doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Do vậy, các vụ ngừng việc tranh chấp lao động thường chỉ diễn ra trong 1 buổi hoặc 1 ngày. Việc này vừa bảo vệ được quyền lợi của NLĐ vừa tránh ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp.

Ngày 25.8, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, Công đoàn tỉnh vừa vận động Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Kim (thuộc Tập đoàn Kim Oanh) trao hỗ trợ 950 phần quà cho công nhân Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một). Nhà tài trợ đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân gồm gạo, mì gói, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương...

Theo ghi nhận, đây là đợt thứ 4 LĐLĐ tỉnh Bình Dương vận động để hỗ trợ chăm lo cho NLĐ khi xảy ra tranh chấp ngừng việc do doanh nghiệp nợ lương. Trước đó, cuối tháng 7.2024, hàng trăm công nhân ở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh đã ngừng việc tập thể đề nghị doanh nghiệp trả nợ 4 tháng lương liên tiếp.

Xác định những công nhân đang khó khăn, LĐLĐ Bình Dương đã hỗ trợ khẩn cấp cho NLĐ. Ngay trong đêm 31.7, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã đưa nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho công nhân. Song song đó, công đoàn trực tiếp xuống doanh nghiệp, thương lượng, yêu cầu doanh nghiệp tìm phương án chi trả lương cho NLĐ.

Theo bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng, vừa giải quyết tranh chấp vừa hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân ở trong công ty.

Bên cạnh đó, các bộ công đoàn còn tỏa đi các nhà trọ hỗ trợ NLĐ của công ty gặp khó khăn. Kết quả, bước đầu, doanh nghiệp này đã chi trả 2 tháng lương cho công nhân. LĐLĐ tỉnh Bình Dương thực hiện thêm 2 lần hỗ trợ bằng tiền 1 triệu đồng/người cho gần 1.000 công nhân. Hiện đơn vị vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến quan hệ lao động ở doanh nghiệp này.

Nắm chắc tình hình NLĐ ngay từ cơ sở

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, để ngăn ngừa và giải quyết các vụ tranh chấp lao động thì Công đoàn cần tiếp tục nắm chắc tình hình NLĐ ngay từ cơ sở.

“Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, cán bộ công đoàn cần sử dụng nhiều cách thức đa dạng, linh hoạt và đổi mới thường xuyên để phù hợp với từng nội dung, mục đích, hoàn cảnh với những nội dung cả hai bên đều thực sự quan tâm. Công đoàn có thể áp dụng một số hình thức nắm bắt thông tin như tiến hành các cuộc họp nhanh trước ca làm việc, công nhân nêu ra các yêu cầu, đề nghị với người sử dụng lao động (NSDLĐ) để công đoàn tập hợp, kiến nghị với NSDLĐ; công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của ban chỉ đạo, Tổ công tác, ban quản lý các khu công nghiệp; đặt hòm thư ở các phân xưởng sản xuất để tiếp nhận yêu cầu, nguyện vọng và những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Khi nhận được thông tin từ NLĐ, CĐCS phối hợp với các cơ quan trực tiếp nắm tình hình để trình bày những yêu cầu của NLĐ, thương lượng và đề xuất các giải pháp cụ thể với chủ doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ…” - bà Trần Thị Thanh Hà cho hay.

Theo lãnh đạo Ban Quan hệ lao động, thực hiện tốt công việc này sẽ giúp công đoàn phát hiện những mâu thuẫn, bức xúc của NLĐ là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, từ đó xây dựng phương án đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết mâu thuẫn, đồng thời báo cáo công đoàn cấp trên hỗ trợ nếu cần thiết.

Cùng với đó, công đoàn cần sử dụng có hiệu quả các kênh truyền thông để tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên, NLĐ về giải quyết tranh chấp lao động. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào vấn đề liên quan đến quyền, trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ, điều kiện làm việc của NLĐ, chế độ phúc lợi đối với NLĐ, việc chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn của NSDLĐ…

“Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế sẽ nâng cao nhận thức cho NLĐ từ đó hình thành ý thức thực hiện pháp luật, giảm thiểu tranh chấp lao động có thể xảy ra” - bà Trần Thị Thanh Hà nhận định.

Ngoài ra, cán bộ công đoàn cần tiếp tục nâng cao nhận thức toàn diện cho công nhân. Tập trung nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ CĐCS, công nhân nòng cốt trong việc nắm và giải quyết các vấn đề của công nhân, nhất là vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khi có tình huống xảy ra phải bám sát địa bàn, nắm chắc doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt trong xử lý; tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan