A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các hãng tàu tự ý tăng phí, doanh nghiệp lo hàng Việt giảm sức cạnh tranh

Theo phản ánh của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam - đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc các hãng tàu nước ngoài tùy tiện tăng 10-20% phí xếp dỡ tại cảng ảnh hưởng tới quyền lợi doanh nghiệp xuất khẩu, logistics nội địa và giảm sức cạnh tranh hàng Việt với các nước.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về tình trạng các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) từ tháng 2 và hành vi điều chỉnh này không phải là lần đầu tiên.

Từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài tự ý thu hàng chục loại phí, phụ phí khác nhau với hàng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Việc tăng giá này không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý và cao hơn nhiều so với phí bốc dỡ mà hãng tàu trả lại cho phía cảng biển Việt Nam.

Trong lần tăng này, phí THC được các hãng tăng 10-20%, từ mức 180-190 USD lên 200-210 USD với container tiêu chuẩn 40 feet. Container đông lạnh 40 feet có giá mới là 255-265 USD, tức gấp 3 lần điều chỉnh giá bốc dỡ container của các cảng biển Việt Nam.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam phản ánh tình trạng các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) từ tháng 2.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam phản ánh, việc tăng phí lần này chỉ áp dụng với Việt Nam, các nước trong khu vực chưa có động thái điều chỉnh. Đáng lưu ý, xét theo giá trị tuyệt đối, 10-20% tăng phí THC của hãng tàu đang cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

Tại cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tỉnh hình Biển Đỏ ngày 6/2, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại việc các hãng tàu tranh thủ tăng giá, áp thêm phụ phí trước bối cảnh Biển Đỏ căng thẳng.

Đơn cử, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây đang tăng 70%, còn đi châu Âu đối với hàng đông lạnh đang tăng gần 4 lần.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho rằng, việc áp dụng phụ phí một cách tùy tiện, không báo trước, không qua đối thoại, thỏa thuận làm cho các nhà xuất khẩu nằm trên thế “cá nằm trên thớt”.

Thậm chí, bà Liên còn cho biết, nếu phía doanh nghiệp không nộp phụ phí tăng thêm này thì họ gửi thêm bản áp phụ phí thanh toán trễ. Việc này càng làm cho các doanh nghiệp thêm bức xúc. Hiện, chi phí vận chuyển đối với mặt hàng này đi thị trường EU tăng 5 - 6 lần.

Trước đó, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA) cũng có công văn gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về đề xuất tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Theo VISABA, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng tàu nước ngoài trong việc giao thương, khai thác tại cảng của quốc gia.

Tuy nhiên, với hiện trạng hoạt động của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, logistics và công tác quản lý của Nhà nước.

Do đó, VISABA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá và Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất các cơ quan, ban, ngành bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hoá tại cảng biển.

Quy định này sẽ tránh trường hợp các hãng tàu tuỳ tiện tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng. Trong trường hợp các phụ thu siêu lợi nhuận thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Công tác quản lý hãng tàu nước ngoài cần phải chặt chẽ hơn để hoàn thiện chính sách quản lý của Nhà nước, sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự giao thương kinh tế, giữ vững và nâng tầm vị thế ngành hàng hải Việt Nam, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật