A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp dệt may gặp khó với sản xuất thời trang "mì ăn liền"

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những doanh nghiệp (DN) nào thời gian qua tập trung chuyển đổi từ "thời trang nhanh" sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn thì DN đó không thiếu đơn hàng, thậm chí còn thừa.

Khó khăn kéo dài

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngay từ cuối năm 2022, ngành dệt may đã gặp khó khăn khi đơn hàng và giá đều giảm sâu. Điều đó kéo dài sang đầu năm nay. Hết tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may giảm 20%. Trước đây, những tháng đầu năm bình quân đạt khoảng trên 3 tỷ USD/tháng, nhưng 2 tháng đầu năm nay kim ngạch XK mới đạt 5,56 tỷ USD. Điều này thể hiện sự khó khăn của DN.

Trong khi tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn, lạm phát chưa chấm dứt, đặc biệt là xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn nên khả năng khó khăn sẽ còn kéo dài đến giữa năm nay. Hiện tại các DN dệt may đang rất khó khăn và khả năng sang quý II vẫn còn khó khăn.

Trong khi đó, DN có nhiều hạn chế như thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, đặc biệt dệt nhuộm tạo ra điểm nghẽn. Phần lớn DN sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp. Rất ít DN XK bằng thương hiệu riêng; khan hiếm lao động, trình độ và năng suất lao động thấp. Nhiều DN thiếu năng lực về quản lý chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro, thiếu năng lực về thương mại, tiếp cận khách hàng, thiết kế sản phẩm.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký cho rằng, khó khăn của các DN dệt may có thể còn kéo dài sang quý II/2023.

Kinh doanh tuần hoàn là tất yếu

Ngày 19/12/202, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 1643/QĐ-TTg về Chiến lược dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5 - 8%/năm. Phấu đấu kim ngạch XK năm 2025 đạt 50 - 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 - 70 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may 2021 - 2025 đạt 51 - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56 - 60%.

Từ nay đến năm 20230 chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn 2030 - 2045 là phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. XK và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch VITAS cho rằng, ngành dệt may cần giải quyết nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt để đáp ứng yêu cầu của các FTA và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, ngành dệt may cần thay đổi từ "thời trang nhanh" (hay còn được gọi là Fast Fashion xu hướng thời trang “mì ăn liền” với những mặt hàng được sản xuất nhanh, mẫu mã đổi mới liên tục - PV) sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn để bảo vệ môi trường. Ví dụ EU đưa ra chiến lược mới "dệt may bền vững" gồm 3 tiêu chuẩn: độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế bắt buộc; DN phải in dữ liệu liên quan tiêu chuẩn và quá trình sản xuất trên nhãn quần áo; cấm công ty không vứt bỏ quần áo không bán được hoặc phải báo cáo số lượng thải bỏ.

Phải đáp ứng yêu cầu truy soát chuỗi cung ứng về lao động, môi trường theo đạo luật về tra soát chuỗi cung ứng của Đức có hiệu lực từ 1/1/2023 và của các nước EU khác.

Ngành dệt may cần thay đổi từ "thời trang nhanh" sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn để bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, DN phải lưu tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CN 4.0 và các khâu dệt, nhuộm, thiết kế. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn đòi hỏi DN phải có nguồn vốn rất lớn.

Thực tế cho thấy, dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm với thói quen sản xuất tiêu dùng theo mô hình "thời trang nhanh", nghĩa là sản xuất tràn lan, dùng nhanh, bỏ nhanh, gây hại môi trường. Kết quả một khảo sát cho thấy, dệt may thế giới thải bỏ 92 triệu tấn mỗi năm.

Trong khi đó, kinh doanh tuần hoàn yêu cầu cầu tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên nước. Giảm tác động môi trường bằng bằng cách tăng độ bền của sản phẩm, tái sử dụng, tái chế và kéo dài tuổi thọ sản phẩm.

Phải có bước đi thích hợp

Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Ví dụ Châu Âu đưa ra chiến lược dệt may bền vững và yêu cầu từ khâu thiết kế sinh thái, tức là ngay từ khâu thiết kế, chọn nguyên phụ liệu đã phải tính đến phát triển bền vững, sau khi thải bỏ không dùng nữa phải quay trở lại tái chế được. Nhưng thực hiện hoạt động chuyển đổi xanh và phát triển bền vững liên quan đến chi phí, nguồn lực con người.

"Đây là vấn đề chúng ta không thể làm đồng loạt với tất cả các DN. Tất nhiên chúng tôi khuyến khích các DN có đủ nguồn lực, các DN lớn tập trung thực hiện. Thực tế cho thấy rất rõ rằng những DN nào vừa qua tập trung vào làm sớm vấn đề này thì DN đó không thiếu đơn hàng, thậm chí còn thừa đơn hàng. DN phải hết sức tỉnh táo, nghiên cứu kỹ những điều kiện cụ thể của DN mình trong khi chuyển đổi. Thị trường nội địa cần phải tập trung khai thác dù dung lượng không nhiều so với XK. Đối với thị trường XK, DN có thể tính đến những thị trường bỏ ngỏ, không có yêu cầu cao như EU", Phó Chủ tịch VITAS khuyến nghị.

Theo ông Cẩm, DN dệt may phải nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Tìm hiểu kỹ thách thức và cơ hội khi đổi mới kinh doanh sang mô hình tuần hoàn. Có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu DN có thế mạnh, ví dụ tuần hoàn nước, điện áp mái...

Cần tập hợp các tài liệu phục vụ truy soát nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, khả năng tái chế cao. Phối hợp với nhãn hàng để thực hiện yêu cầu xanh, bền vững, thiết kế sinh thái... của thị trường.

Thêm vào đó, cần liên kết giữa các DN cùng địa bàn, trong khu công nghiệp để cùng thực hiện việc thu gom nước thái, phế thải để xử lý, tái sử dụng; lắp đặt điện mặt trời áp mái và phối hợp sử dụng.

Để gỡ khó cho ngành dệt may, các DN kiến nghị Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ ngành, DN thực hiện Quyết định 1643/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt hồi cuối năm ngoái.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật