A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp FDI Trung Quốc rót vốn bình quân 5 triệu đô mỗi nhà máy gỗ: Chuyên gia cảnh báo 'điều bất thường’

Trong bối cảnh đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao, nhiều chuyên gia lo ngại rằng sẽ có hiện tượng “tráng men”, “núp bóng” thương hiệu Việt Nam để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD.

 

Cẩn trọng trước các hình thức “tráng men” thương hiệu

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) bày tỏ băn khoăn khi số lượng các dự án FDI từ Trung Quốc đến Bình Dương khá nhiều, nhưng số vốn rót vào lại tương đối thấp so với quy mô của một doanh nghiệp gỗ. 

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) bày tỏ lo ngại trước các dự án đầu tư với nguồn vốn trung bình 5 triệu USD/dự án vào Bình Dương. Ảnh: Mai Trang

“Thời gian gần đây, dự án đầu tư vốn FDI vào ngành gỗ ở Bình Dương và Bình Phước rất lớn. Năm ngoái có 22 dự án FDI ở Bình Dương, 25 dự án ở Bình Phước. Năm nay Bình Dương có 7 dự án và Bình Phước 8 dự án. Doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc đến đầu tư rất nhiều, tuy nhiên, mức đầu tư bình quân chỉ khoảng 5 triệu USD/dự án, đây là điều bất thường”, ông Liêm nói. 

Bởi lẽ nếu chủ doanh nghiệp lớn đầu tư đàng hoàng, mua đất đầu tư nhà máy, tổng mức đầu tư 1 nhà máy ít nhất cũng 30-40 triệu USD. Mức đầu tư bình quân 5 triệu USD/dự án là do doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sang thuê xưởng, thuê máy móc thiết bị hoặc nhập hàng “second hand” (đã qua sử dụng). Hoặc có thể họ làm chuỗi doanh nghiệp nhỏ, trong đó 1 doanh nghiệp “trụ cột” đầu tư để làm xuất khẩu, còn nhiều doanh nghiệp khác thuê xưởng nhỏ làm ghế, bàn, giường… rồi chuyển cho doanh nghiệp “trụ cột” đó.

 Số dự án và giá trị vốn đầu tư FDI mới vào ngành gỗ theo địa phương giai đoạn 2021 - 9 tháng 2024. Nguồn: VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA và Forest Trends tổng hợp từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài

Từ thực tế đó, ông Liêm kiến nghị các cơ quan quản lý giám sát chặt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp từ các quốc gia có yếu tố nhạy cảm. “Nếu chúng ta không làm sớm, không làm nhanh, không quản lý được các doanh nghiệp FDI có hoạt động đầu tư không minh bạch thì rất có thể gặp vấn đề rủi ro lớn khi xuất khẩu, có thể bị khiếu kiện về nguồn gốc xuất xứ bất hợp pháp”, đại diện BIFA nói. 

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: "Hiện tượng “tráng men”, sử dụng thương hiệu Việt Nam để từ đó xuất khẩu đi quốc tế là một trong những vấn đề rất đáng lo ngại, trước đây cũng đã có hiện tượng này trong lĩnh vực gỗ, thép và một vài lĩnh vực khác. Vì vậy, khi ông Donald Trump trúng cử và điều khiển Hoa Kỳ theo tinh thần “nước Mỹ trên hết”, đánh thuế cao ở một số quốc gia thì khả năng thay đổi tên tuổi, “tráng men” thành thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu có thể quay trở lại. Đây đang là một trong những vấn đề bản thân các doanh nghiệp phải tự mình nâng cao tinh thần cảnh giác, cũng như các yêu cầu về quản lý để đáp ứng được việc chống gian lận thương hiệu và yêu cầu xuất khẩu. Đến lúc đó mới có khả năng xuất khẩu đúng với tinh thần của chúng ta và ngăn chặn việc các thương hiệu khác mượn tên tuổi để trốn thuế.

Nếu bị phát hiện thì việc mượn tên tuổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thuế và các doanh nghiệp. Bởi lẽ trước đây Hoa Kỳ đánh thuế đến 600-700% với những hàng hóa mà người ta cho rằng trốn tránh thuế của họ. Vì vậy cho nên đây là điều các doanh nghiệp cần cảnh giác”.

Với những phân tích trên, chuyên gia đề xuất: “Các cơ quan quản lý nhà nước cần có cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại và việc giả mạo thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành nghề mà Việt Nam chúng ta đang có thế mạnh.

Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh hiện tượng gian lận thương mại hoặc “mượn” thương hiệu.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế cũng như các cách thức kiểm tra, giám sát để làm cho hoạt động này có hiệu quả.

Dự báo ngành gỗ Việt chịu ảnh hưởng lớn từ xung đột thương mại Mỹ Trung

Bên cạnh lo ngại các quốc gia "mượn" thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ngành gỗ còn được dự báo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trước những xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Chia sẻ tại một hội thảo ngành gỗ tổ chức mới đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản/phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores). Ảnh: Mai Trang

Trong 11 tháng năm 2024, thặng dư của gỗ và sản phẩm gỗ trong đã đạt 12,11 tỷ USD. Tính riêng thị trường Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm, điều này cho thấy Hoa Kỳ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt.Mặc dù vậy, ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Hoa Kỳ sẽ có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới với các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.

“Ngành gỗ Việt Nam có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Hoa Kỳ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực. Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ, điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất,” ông Đỗ Xuân Lập dự báo.

TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, chuyên gia ngành gỗ cũng khẳng định bức tranh ngành gỗ Việt chịu ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, do đó các chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng trong thời gian tới sẽ tạo nên những thay đổi tác động đến ngành gỗ của Việt Nam.

Chuyên gia dự báo các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tạo ra 3 dòng dịch chuyển chính trong thời gian tới gồm: Dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia; dịch chuyển về dòng vốn đầu tư Trung Quốc sang các nước khác và chính sách dịch chuyển về lao động nhập cư. Những chính sách này sẽ có tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Từ nhận định trên, TS Phúc khuyến nghị ngành gỗ Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác và đối thoại. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm giải pháp ứng phó kịp thời với các chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ. Đặc biệt, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại.

Mặt khác, ngành gỗ cần nâng cao giá trị sản phẩm; trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như nội thất nhà bếp, ghế ngồi, và đồ nội thất gỗ khác để đáp ứng xu hướng thị trường. Đầu tư bền vững: Việt Nam cần phát triển các nhà máy “xanh” và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Chuẩn bị cho rủi ro thương mại, các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro.  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật