Giá gạo nội địa vượt giá xuất khẩu: Doanh nghiệp dè dặt, thị trường chững lại
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn giao mùa giữa hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, khiến nguồn cung gạo trên thị trường cạn kiệt. Tình trạng này dẫn đến nghịch lý: giá gạo trong nước cao hơn giá xuất khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động ký kết các hợp đồng mới.
Gạo xuất khẩu: Ảnh minh họa
Cung – cầu lệch pha
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán ở mức 397 USD/tấn, thấp hơn so với Thái Lan (410 USD/tấn), nhưng cao hơn Ấn Độ (381 USD/tấn) và Pakistan (389 USD/tấn).
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho biết, mức giá này đã duy trì ổn định trong thời gian dài, dao động nhẹ từ 397 - 400 USD/tấn. “Hiện vụ Đông Xuân đã kết thúc, gạo vụ này nếu còn tồn thì doanh nghiệp chủ yếu giữ lại để bán trong nước, bởi giá nội địa đang cao hơn xuất khẩu. Các hợp đồng xuất khẩu mới, nếu có, sẽ chủ yếu là gạo vụ Hè Thu", ông Thành nói.
Trên thực tế, phân khúc gạo 5% tấm hiện không phổ biến trong sản xuất nội địa. Nguồn cung chủ yếu được bổ sung từ gạo nhập khẩu, nhất là từ Campuchia. Do đó, dù giá xuất khẩu giảm, tác động đến người trồng lúa trong nước là không đáng kể.
Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nông dân chủ yếu trồng các giống gạo thơm như OM18, DT8, OM5451,... cũng như các loại gạo chất lượng cao như Jasmine, ST21, ST24, ST25 – vốn hướng đến phân khúc xuất khẩu cao cấp hoặc tiêu dùng nội địa có giá trị.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&MT), vụ Hè Thu năm nay toàn vùng đã xuống giống được hơn 1,012 triệu ha và bắt đầu thu hoạch khoảng 83.000 ha. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch còn ít và chất lượng gạo đầu vụ chưa cao, khiến cả người mua và người bán đều trong trạng thái chờ đợi.
Một số doanh nghiệp cho rằng, giá gạo Đông Xuân nếu ký hợp đồng mới có thể lên đến 540–550 USD/tấn, trong khi giá trong nước đã vượt mức này. Điều này khiến các khách hàng quốc tế không chấp nhận giá cao, còn doanh nghiệp cũng chưa mua gạo Hè Thu để xuất khẩu vì chất lượng lúa đầu vụ không cao.
Doanh nghiệp “án binh bất động”
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, hiện chủ yếu đang thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó. Do không còn nguồn cung mới từ vụ Đông Xuân, họ phải lấy gạo từ kho hoặc mua lại lúa gạo do người dân và các nhà máy còn tích trữ hoặc từ các nhà cung ứng.
Đồng quan điểm với ông Thành, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn và lâu năm ở Cần Thơ cho rằng, trong vòng một tháng qua, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm thường khá ổn định, giao động từ 397 – 430 USD/tấn, tùy chất lượng và thị trường. Gạo thơm như OM18, DT8 hiện có giá từ 500 - 530 USD/tấn, song theo doanh nghiệp, đây chỉ là mức “hòa vốn” vì giá gạo nội địa đang cao hơn.
“Nếu gạo nội địa có giá khoảng 12.500 đồng/kg, quy đổi tương đương 530 USD/tấn. Chào bán giá 550 USD/tấn thì tương đương 13.600 – 13.700 đồng/kg. Doanh nghiệp trữ hàng kỳ vọng giá lên 13.500 đồng/kg mới bán, nếu không thì tiếp tục lưu kho, chịu chi phí bảo quản và lãi vay,” một doanh nghiệp ở Cần Thơ chia sẻ.
Hiện nay, các đơn hàng nhỏ từ các thị trường ngách – khoảng 5 - 10 container – vẫn có thể đạt giá 530–550 USD/tấn. Tuy nhiên, các thị trường lớn đặt mua từ 5.000 đến 10.000 tấn chưa có tín hiệu tích cực. Vì vậy, doanh nghiệp cũng hạn chế ký hợp đồng mới, tập trung vào thực hiện các hợp đồng giá trị cao đã ký từ trước.
Theo doanh nghiệp này, với giá xuất khẩu từ 550 USD/tấn, tương ứng với giá lúa tại ruộng từ 7.000 – 7.500 đồng/kg, nông dân vẫn có lời, dù không bằng mức kỳ vọng. Năm ngoái, giá lúa từng vượt 9.000 đồng/kg, nên mức hiện tại khiến nhiều người trồng lúa “bị sốc”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng người trồng lúa không chịu lỗ: “Thị trường năm nay nhìn chung ổn định. Mức giá từ 550 USD/tấn trở lên là chấp nhận được. Với doanh nghiệp thì giá tăng hay giảm đều có rủi ro, nhưng quan trọng là người nông dân vẫn đảm bảo được lợi nhuận nhất định".
Hiện gạo OM18 và DT8 vụ Hè Thu đang được thu mua với giá từ 6.000 – 6.500 đồng/kg do thị trường chưa có đầu ra rõ ràng. Một số doanh nghiệp đã đặt cọc mua lúa trước, chờ thời điểm giá lên để điều chỉnh, nếu giá xuống thì thương lượng lại với nông dân. Hình thức mua bán này đòi hỏi sự linh hoạt cao trong điều hành.
Giới thương nhân cho rằng các nhà nhập khẩu nắm rất rõ lịch mùa vụ tại Việt Nam và các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Hiện Thái Lan và Myanmar đã vào vụ Hè Thu sớm, trong khi Việt Nam bước vào muộn hơn. Điều này ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, bởi chất lượng và sản lượng đầu vụ Hè Thu chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Cũng chính vì lý do này, thị trường gạo xuất khẩu vẫn trong trạng thái trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp “án binh bất động” để chờ thị trường điều chỉnh, đồng thời thận trọng hơn trong việc ký kết các hợp đồng mới nhằm tránh rủi ro về giá.
Dự báo, trong cả năm 2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 7,9 – 8 triệu tấn. Theo ông Thành, kết quả này hoàn toàn khả thi nếu tiếp tục duy trì tốc độ xuất khẩu như hiện nay, mặc dù giá trị có thể bị ảnh hưởng bởi giá bán trung bình thấp hơn.