Tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ
Đại biểu Quốc hội đề xuất cơ chế thông thoáng hơn trong quản lý tài chính và sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ.
Tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 17.2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng thuận với việc kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH TP Huế. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH TP Huế - cho rằng, việc nghiên cứu khoa học ở các quốc gia trên thế giới được coi là hoạt động đầu tư có rủi ro. Quỹ đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học được coi như quỹ rủi ro.
Đại biểu Nam cũng đề xuất, để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cần học tập các quốc gia trên thế giới trong việc bổ sung các chính sách miễn thuế, giảm thuế cho đầu tư nghiên cứu khoa học.
Tạo "đầu ra" cho các nghiên cứu KHCN
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quochoi.vn
Về việc bảo đảm “đầu ra” cho các nghiên cứu KHCN trong nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An - cho rằng, cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là vấn đề rất quan trọng.
Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức KHCN trong nước.
Theo ông Hiếu, hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể và theo nhiều nghiên cứu cho thấy chưa có tính khả thi trên thực tế. Do đó, cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Bắc Kạn - cho rằng, cần thiết có quy định cụ thể về thí điểm miễn trừ trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu, thử nghiệm khoa học công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quochoi.vn
Bởi theo đại biểu, hiện nay, với miễn trừ trách nhiệm hình sự đã có Điều 25 trong Bộ luật Hình sự nêu rõ cơ quan, tổ chức cá nhân đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà vẫn gây thiệt hại thì không bị coi là tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn với quy định miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ, hiện nay chưa rõ ràng cho nên cơ quan, tổ chức cá nhân nghiên cứu khoa học dù đã thực hiện đúng quy trình, quy phạm nhưng gây thiệt hại cho Nhà nước thì vẫn phải bồi thường thiệt hại theo cơ chế bồi thường ngoài hợp đồng. Do đó, bà Thủy đồng tình việc Nghị quyết 57 đã bổ sung việc miễn trách nhiệm dân sự.