A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội trong “bão tố”

Lực lượng doanh nhân nữ đang từng bước khẳng định chỗ đứng và thành công trong nhiều lĩnh vực mà trước đây được xem là “độc tôn” của nam giới, trong đó có không ít người là những doanh nhân được biết đến bởi bản lĩnh, là nguồn động lực lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Doanh nghiệp Việt bắt đầu chịu ảnh hưởng

Là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu may mặc sang Nga, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm thừa nhận, đơn vị này đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Việc một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga. “Khoảng 1 triệu USD giá trị hàng hóa đã xuất nhưng chưa được thanh toán. Về vận tải, lô hàng đã đến Hà Lan cũng bị giam ở kho chưa thể chuyển sang Nga”, ông Ninh dẫn chứng.

Cũng theo ông Ninh, ngoài các đơn hàng đã xuất đi, hiện doanh nghiệp còn những đơn hàng đã mua nguyên phụ liệu với khoảng 40 container, khi chuyển sang thành phẩm tương đương với 100 container trị giá gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải đàm phán lại giữa hai bên, do hiện nay nền kinh tế Nga đang giảm nhu cầu tiêu thụ, người dân Nga cũng thắt lưng buộc bụng hơn.

Điều đó dẫn đến những lo ngại về việc các doanh nghiệp may bị mất đơn hàng là có thể xảy ra. “Dưới góc độ doanh nghiệp trực diện, chúng tôi hiện đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh nhất và đang loay hoay để giải quyết”, ông Ninh thừa nhận.

Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng xuất hiện nhiều khó khăn hơn. Ông Ninh nhận định, doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn cung đường dài hơn với những phương thức vận chuyển khác. “Trước đây dùng phương thức vận chuyển rẻ nhất, giờ có thể sắp phải vận chuyển bằng đường sắt hay hàng không, nhưng hai đường này hiện cũng rất vòng vèo. Quãng thời gian vận chuyển dài hơn sẽ có những rủi ro xảy ra, ví dụ chúng tôi có lô hàng kẹt ở Hà Lan đang lưu kho, thêm ngày nào mất tiền ngày đấy”, ông Ninh nói.

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội trong “bão tố”
Thời gian qua, ngành hàng dệt may xuất khẩu sang Nga luôn tăng trưởng tốt

Theo ông Ninh, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là chúng ta không thể đoán trước được tình hình cuộc xung đột giữa hai nước Nga - Ukraine sẽ diễn biến theo hướng nào. Nếu các lệnh trừng phạt cấm không giao thương với Nga xảy ra, thì “kể cả doanh nghiệp có "lạng lách" hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác cũng không thể làm gì”. Điều này sẽ ảnh hưởng hai chiều đến cả doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga và ngược lại doanh nghiệp Nga đang đầu tư tại Việt Nam.

“Tất cả các dự án liên quan đến công nghệ, tài chính của Nga đều phải dừng lại, tính bất định này khiến doanh nghiệp Việt Nam - Nga hiện nay đang phải dò dẫm, ngày nào biết ngày đó”, ông Ninh thừa nhận.

Cơ hội “kép” cho doanh nghiệp Việt

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng là không thể phủ nhận, song lãnh đạo Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng, nếu nhìn tích cực vẫn thấy nhiều cơ hội. Hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nga chỉ chiếm khoảng 1%, trong khi hai nước đang mong muốn hợp tác phát triển chặt chẽ hơn, đây chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga. “Nga chắc chắn sẽ bị hạn chế bởi thị trường phương Tây và hướng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, chúng ta lại có mối quan hệ lịch sử với Nga thì phải tận dụng tốt cơ hội này”, ông Ninh nói.

Tuy nhiên, trở ngại lớn về vận tải là hiện chi phí logistic của Việt Nam cao, cần tái cơ cấu lại và phát triển hơn. Về du lịch, ông Ninh nhận định người Nga sẽ không dễ dàng du lịch sang Mỹ hoặc phương Tây, mà họ sẽ có nhu cầu đi du lịch các nơi khác, trong đó có Việt Nam.

“Để nắm bắt được các cơ hội đó, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước, và chính sách để hiện thực hóa, còn các vấn đề về thanh toán, vận chuyển, tỷ giá, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật để làm. Vấn đề ở đây là không chỉ chúng ta nhìn thấy cơ hội mà tất cả các nước châu Á cũng vậy, vì thế ai nhanh sẽ nhận trái ngọt nhiều hơn”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động vấn đề logistics, bởi Việt Nam là nền kinh tế có giao thương nhiều các nước trên thế giới, nhưng hệ thống logistics lại phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. “Là doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi mong muốn phải chủ động hơn trong vấn đề này để không còn bị phụ thuộc, làm sao có những doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được cho chính chúng ta.

Về thể chế, cần có những cơ chế mạnh mẽ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển, chuyển đổi số, tận dụng cơ hội cách mạng 4.0. Cuối cùng, không chỉ doanh nghiệp mà tất cả người dân đều muốn môi trường ổn định chính trị, an cư lạc nghiệp thì mới phát triển được kinh tế”, vị lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội trong “bão tố”
Thuỷ sản cũng là một trong số những mặt hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh khó khăn, Việt Nam thậm chí còn cơ hội kép. Cụ thể, theo ông Lộc, khi phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt cấm hoạt động đầu tư thương mại tại Nga sẽ là cơ hội cho Việt Nam để tiến vào thị trường này. Ngược lại, Nga cũng có thể xoay trục hướng về châu Á và Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng của Nga. “Trong ngắn hạn sẽ có khó khăn, nhưng dài hạn mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng cường quan hệ với Nga” - ông Lộc nhận định.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, thế giới vốn dĩ đã có nhiều biến động, từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, giờ đây là cả chiến tranh quân sự. Trong bối cảnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới buộc phải tái cấu trúc lại. Những "mắt xích" hiện nay nằm ở Nga, Ukraine hay ở nước có nguy cơ xung đột khu vực thì sẽ có sự chuyển dịch. Chuyển dịch về đầu tư, về thị trường. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế với các FTA thế hệ mới, song phương, đa phương, đặc biệt là sự ổn định chính trị xã hội.

"Phương Tây rút đi mở ra cơ hội hàng xuất nhập khẩu của chúng ta. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chọn Việt Nam như là điểm đến an toàn để đầu tư, như là nguồn cung ứng an toàn cho chuỗi cung ứng đó. Ổn định chính trị xã hội chính là lợi thế ta có thể tăng cường, thanh thủ biến Việt Nam thành cứ điểm cung ứng nguồn cho chuỗi cung ứng toàn cầu", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Mặt khác, khó khăn, tai hoạ cũng tạo sức ép, động lực để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, thay đổi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Dù vậy, theo ông Lộc, để khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn cũng như nắm bắt được cơ hội trong dài hạn, Việt Nam phải có chiến lược dài hạn xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu, khả năng tự chủ của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện quan trọng nhất là khả năng chống chịu, quản trị rủi ro. Đồng thời, mở rộng quan hệ quốc tế. Mọi chiến lược bắt đầu từ bây giờ phải tính trên tầm nhìn dài hạn.

Ông Lộc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt hơn chính sách giải pháp chương trình phục hồi kinh tế, phải tăng tốc, làm nhanh hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt phải tích hợp thêm các giải pháp để đối phó vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Các nguồn lực trong gói giải pháp phục hồi kinh tế có thể phải được sử dụng một cách linh hoạt.

Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine. Điều này giúp ta có niềm tin về sự ứng xử nhanh chóng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, chúng ta đã ngoại giao vaccine nhanh chóng thần tốc, thì giờ đây cũng có thể ứng xử thần tốc để hạn chế tác động tới kinh tế Việt Nam và tận dụng cơ hội.

"Với vai trò trung tâm, hiệp hội và doanh nghiệp cũng phải cùng chụm đầu và bàn về tình hình, tìm ra biện pháp, xem ngành nào bị tác động trực tiếp, làm việc với các thương vụ Nga - Ukraine, tập đoàn lớn để tìm ra giải pháp chủ động. Chúng ta có thể làm, chúng ta có kinh nghiệm rồi", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan