A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TNG lấy lại đà tăng trưởng ngay tháng đầu năm 2024

Nhờ duy trì đơn hàng với tệp khách hàng ổn định, TNG ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng ngay trong tháng đầu tiên năm 2024.

Báo cáo tài chính riêng tháng 1/2024 tại CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) vừa công bố ghi nhận, doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu tháng 1 cao nhất của TNG trong 5 năm đổ lại đây. 

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng tới 33% so với tháng 1 năm ngoái, kéo theo biên lãi gộp giảm nhẹ 0,4% xuống 12,6%.

Trong tháng, mặc dù doanh thu tài chính tăng lên hơn 7 tỷ đồng, tăng 27% nhưng các khoản chi ra cũng lớn như chi phí tài chính đạt 18 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt đạt 7 tỷ đồng và 29 tỷ đồng, tăng 39% và 9% so với cùng kỳ.

Sau khấu trừ, dệt may TNG báo lãi sau thuế đạt 15 tỷ đồng, tăng mạnh 168% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng trưởng trở lại sau 7 tháng liên tục giảm hoặc đi ngang trước đó. 

Theo TNG, kết quả kinh doanh khả quan ngay từ đầu năm 2024 nhờ vào việc công ty này đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…

Trước đó, TNG công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu kỷ lục 7.096 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lãi ròng chỉ 226 tỷ đồng, giảm 23% và thực hiện được 76% mục tiêu lợi nhuận năm.

Theo đánh giá của SSI Research trong phân tích mới đây, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và châu Âu.

Đồng quan điểm, Quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức; trong đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của ngành dệt may.

Quỹ đầu tư VinaCapital dẫn các nguồn tin thị trường cho biết, các đối tác quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, nhưng các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.

Trong một diễn biến khác, HĐQT dệt may TNG ngày 20/2 đã thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham gia là 21/3/2024, thời gian dự kiến diễn ra ngày 21/4, tại Chi nhánh may Việt Thái - Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên. 

Nội dung cuộc họp gồm báo cáo kết quả kinh doanh 2023 và kế hoạch kinh doanh 2024; chia trả cổ tức 2023 và dự kiến mức chi trả cổ tức 2024; bầu thành viên HĐQT; các phương án phát hành và các nội dung khác thuộc thẩm quyền...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan