A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài toán nông nghiệp

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước. Trong rất nhiều vấn đề lớn được cử tri quan tâm, có vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Điều này rất đúng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hơn 35 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 vẫn đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Con số này có ý nghĩa nhiều mặt.

Tuy nhiên, nông nghiệp nước nhà đang đối diện với nhiều thách thức. Điều dễ nhận thấy là sản xuất còn manh mún, năng suất lao động chỉ bằng phân nửa các nước trong khu vực, chưa chủ động được yếu tố đầu vào (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%), nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, xuất khẩu sản phẩm vào thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao rất khó khăn... Nói về xuất khẩu, do chất lượng nông sản thấp nên chủ yếu vẫn là xuất khẩu tiểu ngạch. Tình trạng “được mùa, mất giá”, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội.

Vì sao nông dân Việt Nam nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ nhưng “diện mạo” nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đầy rẫy các vấn đề âu lo như vậy? Rõ ràng, yếu kém bắt đầu từ tư duy (cả tư duy quản lý) đến khoa học, công nghệ...

Đã đến lúc phải đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung; tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai…

Mặc dù điều kiện khó khăn nhưng ngày 22/5/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cha ông xưa đã dạy: “Buôn tài không bằng dài vốn”; nông nghiệp trong cạnh tranh toàn cầu phải là nông nghiệp quy mô lớn, đầu tư bài bản. Điều đáng mừng là những năm gần đây nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh đang là đích phải phấn đấu bền bỉ, để nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan