Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp phòng chống gian lận thương mại
UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa có văn bản về việc tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát phòng chống gian lận thương mại trên địa bàn, nhằm hạn chết phát sinh tiêu cực ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, do trong dịp hè và các ngày lễ lớn khi lượng khách du lịch sẽ tăng cao.
Đà Lạt tăng cường chống gian lận thương mại trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi nhanh.
3 tháng đầu năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Đà Lạt và các đơn vị liên quan đã triển khai 523 lượt kiểm tra, phát hiện 214 vụ vi phạm, đề xuất phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, truy thu thuế với tổng số tiền là 5.248,34 triệu đồng.
Thực hiện chính sách bình thường mới, hoạt động tham quan, du lịch, kinh doanh, mua sắm trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã dần hồi phục và dần trở lại bình thường.
Tình hình kinh doanh xăng dầu có biến động, giá tăng cao dẫn đến giá cả hàng hóa và một số dịch vụ tăng, trên địa bàn thành phố quán triệt không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây khan hiếm thị trường.
Trong quý II/2022, tình hình thị trường xăng dầu thế giới sẽ có nhiều diễn biến, ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước, trực tiếp tác động đến thị trường giá cả hàng hóa, do đó cần chủ động xây dựng các giải pháp để bình ổn thị trường.
Cụ thể, TP Đà Lạt đã triển khai một số biện pháp cụ thể như: Tập trung thực hiện công tác kiểm tra kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường hoạt động lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và mặt hàng rượu sản xuất thủ công trên địa bàn.
Tăng cường hoạt động kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, các điểm du lịch; chú trọng trong thời gian diễn ra các ngày Lễ lớn trong năm 2022 như lễ 30/4, 1/5, dịp hè năm 2022,…; kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có biểu hiện thu giá vượt theo đăng ký giá, trốn thuế.
Du lịch Đà Lạt đang phục hồi nên cần những giải pháp ổn định thị trường, chống gian lận thương mại. |
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, tập trung theo dõi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Cương quyết xử lý đối với trường hợp không giết mổ gia súc, gia cầm sai quy định.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và hàng nông sản nhập khẩu, chú trọng đến mặt hàng khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc. Xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng đặc sản, giải quyết triệt để hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa trên lịch vực này.
Tập trung công tác bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường trong thời điểm thị trường phát sinh biến động lớn về giá. Kiểm tra chống thất thu thuế, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.
Cùng với đó là điều tra có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở lớn, đầu mối lớn có dấu hiệu vi phạm trong các hoạt động kinh doanh hàng cấm, hàng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Đẩy mạnh công tác theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm loại hình tiếp thị không lành mạnh (cò) trên địa bàn thành phố. Tuyên truyền; tiếp tục tuyên truyền, tập huấn Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh du lịch, dịch vụ; nghiêm túc tham mưu UBND thành phố xử lý các trường hợp sai phạm để răn đe, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trên địa bàn.