Giá vàng “bốc hơi” gần 1 triệu đồng/lượng
Sáng nay, 14/6, giá vàng trong nước tiếp đà lao dốc, mức giảm cao nhất 950.000 đồng/lượng.
Ảnh minh họa.
Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 67,75-68,67 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 700.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 920.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 67,65-68,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,50-68,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 950.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 850.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 900.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.824,30 USD/ounce, giảm 44,4 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.340), tương đương 51,87 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 16,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm mạnh do chịu áp lực mạnh của đồng USD mạnh và giá dầu thô tăng cao.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), dự kiến bắt đầu vào thứ 3 và kết thúc vào thứ 4. Tại cuộc họp lần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản.
Ngoài cuộc họp của Fed, các chuyên gia thị trường hàng hóa khuyên giới đầu tư vàng nên để mắt đến dữ liệu về doanh số bán lẻ và lạm phát bán buôn của Mỹ, báo cáo chỉ số giá sản xuất của Mỹ trong tháng 5, dữ liệu sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc, chỉ số USD. Đây được xem là những yếu tố sẽ tác động đến giá vàng ở mức độ lớn hơn.