Kinh tế hợp tác
Hôm qua, 15/2, có một sự kiện quan trọng, đó là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.
Ảnh minh họa.
Có lẽ không ai xa lạ với mô hình HTX trong nông nghiệp; sau thời kỳ đổi mới là HTX trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Bản thân hai từ “hợp tác” đã có ý nghĩa liên kết, phối hợp, hài hòa lợi ích cá nhân và tập thể trong chuỗi giá trị. Điều đó có nghĩa hợp tác vừa là quá khứ, hiện tại, vừa là tương lai.
Đảng ta luôn chủ trương phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy kinh tế - xã hội, luôn làm mới những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX trong các giai đoạn. Trong giai đoạn mới, trong “kỷ nguyên” chuỗi giá trị, HTX càng phải đổi mới, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổ chức tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX trong ngành, lĩnh vực và địa bàn một cách khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả.
Hội nghị có nhiệm vụ đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012; chỉ rõ những kết quả đã làm được, những nội dung chưa làm được và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, kỷ luật, khen thưởng; Đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX, kết quả đạt được, nhất là những kết quả đột phá, những tồn tại, hạn chế, nhất là những trì trệ, yếu kém; phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế và các cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới; xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất những định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX; các đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể, HTX và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ, huy động nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, vấn đề bao bì, mẫu mã, thị trường… đang là vấn đề đặt ra hiện nay, tất nhiên khó mà mới. Nhưng không thể không làm.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển. Đây là kinh tế của các HTX ở các nước trên thế giới.
Thực tiễn đang cần trả lời để kinh tế tập thể, kinh tế HTX phát triển, tham gia vào giải phóng nguồn lực, phát triển đất nước.