A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng “đầu tàu” kinh tế phục hồi

Nếu đảm bảo tốt việc khống chế dịch bệnh đồng thời triển khai hiệu quả những gói hỗ trợ theo Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ, tăng trưởng kinh tế TP.HCM có thể đạt 7,62% trong năm 2022.

Nhiều đại dự án chuyển mình

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC), các tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM đã bắt nhịp phục hồi mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là sự khởi động nhiều đề án, dự án lớn mang tính chiến lược, tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Ngay từ đầu năm nay, dự án tuyến Metro số 1 đã chính thức được thực hiện với mục tiêu hoàn thành chạy thử vào năm 2022 và sẵn sàng chạy thương mại trong năm 2023. Các dự án đường bộ quan trọng khác như: Dự án đường Vành đai 2, dự án mở rộng quốc lộ 50, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất ở khu vực Thủ Thiêm… đều đã được khởi động. Trong năm nay, TP. HCM cũng đặt mục tiêu khởi công tuyến Vành đai 3, hoàn thành pháp lý để thực hiện Chương trình nhà ở thay nhà ven kênh rạch và triển khai dự án rạch Xuyên Tâm khu vực quận Bình Thạnh…

ky vong dau tau kinh te phuc hoi

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ chạy thử vào cuối năm nay

Đối với đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, ông Hòa cho biết, hiện TP.HCM đã thành lập ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, xác định rõ mục tiêu trở thành “hub” (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Đến hiện tại, HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương, đề án, dự kiến trong tháng 4/2022 sẽ chuẩn bị xong nội dung để chính quyền thành phố trình Chính phủ.

Nói thêm về đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp này đã làm việc với các đối tác Hoa Kỳ. Phía đối tác Hoa Kỳ đã cam kết sẽ rót khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó có 6 tỷ USD để đầu tư vào xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM. Bên cạnh đó, đối tác Hoa Kỳ cũng đề nghị đưa Disney vào TP.HCM.

“Nếu hình thành được một khu giải trí Disneyland tại TP.HCM ước tính mỗi năm có thể thu hút khoảng 25 triệu khách du lịch. Tính cả các dự án Universal Studio (đầu tư tại Hà Nội) và Sea World (đầu tư tại Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 70 triệu khách du lịch”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Vẫn cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Để tạo ra cú hích cho việc phục hồi phát triển kinh tế TP.HCM, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, trong các năm 2022-2023 chính quyền thành phố cần tập trung mạnh vào một số mảng lĩnh vực mấu chốt là hạ tầng, tài chính ngân hàng và phát triển mạnh thương mại điện tử.

Theo ông Thành, điều kiện tiên quyết là lãnh đạo TP.HCM phải tỏ rõ sự quyết tâm, quyết liệt, thậm chí là dũng cảm chính trị để đưa ra những quyết định có tính đột phá. Theo đó, trong lĩnh vực hạ tầng, nếu TP.HCM tháo gỡ được những nút thắt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để 170 dự án hạ tầng đang chuẩn bị triển khai được tiến hành thuận lợi thì sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Đối với dự án đường Vành đai 3, nên tận dụng tốt nguồn ngân sách ưu tiên từ chương trình phục hồi kinh tế của Quốc hội và Chính phủ để giải tỏa mặt bằng.

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thời điểm hiện nay rất thuận lợi để TP.HCM xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Vì vậy, TP.HCM nên tiếp cận theo tư duy đột phá, nhanh chóng nghiên cứu để hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho phép các mô hình tập đoàn tài chính được hoạt động nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới, mở rộng cửa cho các tổ chức tín dụng trong nước hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội thành phố trong suốt hai năm qua. Trong năm nay nếu TP.HCM có thể kiểm soát tốt dịch bệnh và mở cửa thích ứng an toàn với dịch bệnh, đồng thời tận dụng được các gói chính sách tài khóa và tiền tệ của Trung ương thì khả năng phục hồi tăng trưởng ở các lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế số, thương mại điện tử, du lịch và xuất khẩu sẽ rất khả quan. Trong kịch bản thuận lợi này đến hết năm 2022, kinh tế TP.HCM có thể sẽ tăng trưởng ở mức 7,06% - 8,18% (trung bình 7,62%).

Trường hợp không như dự tính là nếu dịch bệnh bùng phát chủng virus mới, nhưng TP.HCM vẫn đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và tăng trưởng đầu tư vốn cho các khu vực, các dự án đầu tư công thì khả năng đến cuối năm kinh tế TP.HCM vẫn sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 6,31%.

Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng này, theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, TP.HCM cần nhanh chóng tháo gỡ được những điểm nghẽn về cơ chế để các thành phần kinh tế có thể hấp thụ được nguồn vốn và tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế của Trung ương.

Theo đó, trước mắt cần ưu tiên mở cửa nền kinh tế, tập trung giải ngân đầu tư công để kích thích nguồn đầu tư từ khối tư nhân vào các dự án trọng điểm. Kế đó, cần mở rộng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện được hưởng các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đều tiếp cận được các ưu đãi từ ngân sách.

Ông Trần Du Lịch đánh giá cao chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của ngành Ngân hàng TP.HCM đã triển khai nhiều năm qua và cần lấy đó là một trong những giải pháp tiếp tục đẩy mạnh chương trình này với phương châm đồng hành, chia sẻ để lan tỏa hiệu quả hơn những hỗ trợ thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở các quận, huyện trên địa bàn. Tới đây ngành Ngân hàng sẽ triển khai nhanh gói cấp bù 2% lãi suất cho những khoản vay đủ điều kiện của Nghị quyết 43 của Quốc hội ngay khi có hướng dẫn. Trong năm 2022, các hoạt động cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất và cho vay mới lãi suất ưu đãi theo các Thông tư 01, 03 và 14 của NHNN sẽ tiếp tục được thực hiện. Các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ tiếp tục được hệ thống ngân hàng tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11.

Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật