Hà Nội gia tăng vi phạm đi ngược chiều vào giờ cao điểm
Đi ngược chiều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao và bị phạt nặng, nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm.
CSGT xử lý xe máy đi ngược chiều tại khu vực chân cầu vượt Mễ Trì. Ảnh: Thế Kỷ
Tình trạng phương tiện là xe máy đi ngược chiều trên một số tuyến đường ở Hà Nội có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.
Ghi nhận của PV trên một số tuyến đường, như Tố Hữu, Nghiêm Xuân Yêm, cầu vượt Mễ Trì... hằng ngày có cả trăm lượt xe máy đi ngược chiều. Mặc dù chỉ đi một đoạn ngắn, tuy nhiên, hành vi này rất nguy hiểm, dễ xảy ra va chạm giao thông. Thực tế, hành vi đi ngược chiều đối với xe máy bị phạt rất nặng, từ 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm trong giấy phép lái xe.
Ngày 8.4, ghi nhận tại khu vực ngã tư Nghiêm Xuân Yêm - Phạm Tu, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 14 - Phòng CSGT Hà Nội - Công an TP Hà Nội ứng trực xử lý hành vi đi ngược chiều.
Theo khảo sát của lực lượng chức năng, khu vực hay xảy ra vi phạm là lối mở dải phân cách tại chân cầu T133 đường vành đai 3 trên cao. Đây là lối mở cách ngã tư Nghiêm Xuân Yêm - Phạm Tu khoảng 20m.
Trung tá Nguyễn Văn Dũng - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 14 - cho biết: “Một số người điều khiển xe máy từ đường Nghiêm Xuân Yêm hướng Nguyễn Xiển do thiếu kiên nhẫn chờ đèn đỏ, thiếu ý thức đã đi sang làn ngược chiều để rẽ vào đường Phạm Tu. Hành vi này gây nguy hiểm cho phương tiện đi đúng chiều, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Chỉ trong khoảng 30 phút sáng 8.4, 7 trường hợp đi xe máy ngược chiều trên đường Nghiêm Xuân Yêm đã bị xử phạt.
Còn tại khu vực chân cầu vượt Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 cũng tiến hành xử lý tình trạng xe máy đi ngược chiều.
Theo phản ánh của người dân, thay vì phải đi đường vòng dưới chân cầu vượt Mễ Trì hướng ra đường Cương Kiên, rồi mới được rẽ lên cầu vượt để sang đường Miếu Đầm, nhiều người lại chọn cách đi ngược chiều khoảng 100m, từ đường gom Đại lộ Thăng Long để lên cầu vượt. Chỉ vì muốn nhanh hơn một chút mà đặt bản thân và người tham gia giao thông khác vào tình thế nguy hiểm.
Rất nhanh chóng, khoảng 1 giờ đồng hồ ứng trực, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 đã phát hiện, lập biên bản xử phạt đối với 10 trường hợp.
“Nhiều người có tâm lý cho rằng, vào giờ cao điểm, CSGT chỉ điều tiết, phân luồng giao thông mà không xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý luôn được chúng tôi thực hiện song song nhằm ngăn ngừa tai nạn và ùn tắc giao thông” - trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 - chia sẻ.
Thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội tiếp tục tăng cường lực lượng, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, tránh tình trạng “nhờn luật”.