A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những tháng cuối năm, lãi suất ngân hàng theo hướng nào?

Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng giảm lãi suất còn phụ thuộc vào yếu tố lạm phát cũng như áp lực từ động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên quan đến khả năng cao sớm cắt giảm lãi suất.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc tư vấn và đào tạo Công ty AFA Capital cho rằng, tăng trưởng tín dụng thường bật lên trong giai đoạn cuối năm. Tháng 12/2023, tín dụng của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc này với con số tăng trưởng đạt 4,35% so với tháng trước, đưa mức tăng cả năm 2023 lên 13,5%.

Bước vào năm 2024, sự tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi của các nhóm ngành kinh doanh. Hiện đang diễn ra sự phân cực lớn từ các nhóm ngành.

Nhóm ngành có tính phục hồi dẫn dắt tăng trưởng tín dụng là kinh doanh bất động sản.

Đáng chú ý, nhóm ngành có tính phục hồi dẫn dắt là kinh doanh bất động sản. Tín dụng đang đổ vào đó khá nhiều và cho thấy thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi trở lại. Tuy tăng trưởng “nóng” chưa diễn ra nhưng sự phục hồi dòng tiền luân chuyển trong nhóm ngành này đã quay trở lại.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, thu hút xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đang góp phần cho việc tăng trưởng tín dụng.

“Tuy nhiên, chúng ta thấy một số khó khăn có thể tác động đến tăng trưởng tín dụng. Đó chính là câu chuyện về nợ xấu. Các ngân hàng sẽ phải kiểm soát rất chặt chẽ nếu tăng trưởng tín dụng hướng đến việc đạt mục tiêu mà không bảo đảm chất lượng về tín dụng”, ông Long lưu ý.

Cũng theo Giám đốc tư vấn và đào tạo Công ty AFA Capital, những tháng cuối cùng của năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của Ngân hàng Nhà nước là khá “thách thức”.

Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất trong những tháng cuối năm. Câu hỏi đặt ra là, lãi suất sẽ đi theo xu hướng nào?

Theo ông Long, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo xu hướng nới lỏng. Sự duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế, tạo nền tảng cơ bản cho kinh tế phát triển. Nhưng lạm phát là yếu tố cần phải lưu ý, có thể tác động tới lãi suất đầu vào (huy động tiền gửi) của các ngân hàng, gây ảnh hưởng tới lãi suất đầu ra (cho vay).

Với bối cảnh hiện tại, thị trường tín dụng còn yếu, tỷ giá được kiểm soát tốt. Cùng đó, động thái của FED liên quan đến khả năng cao sớm cắt giảm lãi suất sẽ tạo áp lực tốt hơn cho thị trường tín dụng tại Việt Nam. Các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội để giảm nhẹ lãi suất đầu ra.

Nếu lạm phát chịu tác động từ cơn bão số 3 diễn ra, điều này có thể gây sức ép, ít nhất là trong ngắn hạn đối với thị trường tín dụng. Giá cả hàng hóa tăng sẽ gây sức ép với một số ngân hàng đối với lãi suất huy động tiền gửi. Đặc biệt với ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, thanh khoản yếu hơn, các ngân hàng này có thể tăng lãi suất huy động.

“Trong bối cảnh này, ngân hàng sẽ phải làm sao hạ được lãi suất đầu ra và từ đó đẩy được tín dụng lên. Lãi suất đầu vào có xu hướng tăng lên, các ngân hàng muốn giữ được lợi nhuận đúng như kỳ vọng sẽ là một sức ép.

Đây là lý do tại sao tôi giữ quan điểm lãi cho vay đầu ra sẽ đi ngang và có xu hướng giảm nhẹ chứ không có sự giảm quá lớn”, ông Long nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan