A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SHB Chi nhánh An Giang: Vốn tín dụng bền bỉ “chảy” vào nông, lâm thủy sản

Đến cuối quý I/2025, dư nợ tín dụng tại SHB Chi nhánh An Giang đạt hơn 9.163 triệu đồng, trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông, thủy sản chiếm 65% (5.498 triệu đồng).

 

img_20250417_173549.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8/3/2025 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2025 và Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về việc nâng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngày 15/4/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 2756/NHNN-TD đề nghị các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản.

Cụ thể, mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100 nghìn tỷ đồng (theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại). Các nội dung liên quan khác tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm việc triển khai thực hiện theo đúng cam kết của Chương trình này (về đối tượng, lãi suất).

Tại tỉnh An Giang, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh An Giang (SHB Chi nhánh An Giang) là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tiên phong bền bỉ cho vay lĩnh vực địa phương có thế mạnh là lúa/gạo và thủy sản.

Ông Phan Văn Tạo, Giám đốc Ngân hàng SHB Chi nhánh An Giang chia sẻ, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là một trong những “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế vì vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa hướng đến xuất khẩu do vậy SHB Chi nhánh An Giang đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho vay lĩnh vực thủy sản cụ thể là ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Đây cũng là lĩnh vực tập trung nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa,… đều là những lĩnh vực ưu tiên của dòng vốn tín dụng.

Số liệu từ SHB Chi nhánh An Giang cho thấy, đến cuối quý I/2025 có tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 11.165 triệu đồng, trong đó nguồn vốn huy động đạt hơn 2.969 triệu đồng, có được nguồn vốn ngân hàng đẩy mạnh cho vay khách hàng đạt dư nợ tín dụng hơn 9.163 triệu đồng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông, thủy sản chiếm 65% (5.498 triệu đồng).

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND của ngân hàng đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm). Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9%/năm. Nhờ đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông thủy sản với lãi suất thấp đã góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng khá.

Theo số liệu từ Chi cục Thống kê tỉnh An Giang, kim ngạch xuất khẩu tỉnh 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 36,7 triệu USD, chiếm gần 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu trên 47.000 USD, hàng thủy sản xuất khẩu trên 1,2 triệu USD, hàng may mặc và da giày 35 triệu, hàng rau củ quả đông lạnh gần 68.000 USD. UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành rà soát thực trạng, đánh giá mức độ ảnh hưởng và hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược thị trường phù hợp.

Ông Tạo chia sẻ thêm, thời gian tới, SHB Chi nhánh An Giang cùng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP… Quy hoạch vùng nuôi cá đạt chuẩn ASC phục vụ tốt hơn nhu cầu xuất khẩu.

Qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Gạo, rau quả, cá tra… sang những thị trường khó tính (Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, Bỉ, UAE…) nhằm duy trì kim ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và khai thác triệt để các FTA và các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP... thông qua phối hợp các vụ, cục thuộc bộ, ngành Trung ương; tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến thông tin về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường FTA. Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thị trường mới.

ThS.Trần Trọng Triết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật