Từ thương vụ của Nvidia, Google: Việt Nam không chỉ là điểm đến của sản xuất giá rẻ
Chuyên gia nhận xét sức hấp dẫn của Việt Nam đến từ dân số trẻ, am hiểu công nghệ, chính sách hỗ trợ và vị trí địa lý.
"Hôm nay là một cột mốc quan trọng và một ngày rất vui đối với Nvidia. Chúng tôi công bố việc khai trương Nvidia Việt Nam, một trung tâm R&D lớn, nơi sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo, phần mềm và công nghệ hệ thống mà Nvidia đang triển khai", ông Jensen Huang nói sau lễ ký thỏa thuận với Chính phủ thành lập hai trung tâm AI, tối 5/12 ở Hà Nội.
Sau lễ ký thoả thuận, CEO Nvidia tiếp tục nói mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.
Cũng trong tuần đó, Google chính thức thành lập công ty Google Việt Nam, trong đó hỗ trợ các chương trình về chuyển đổi số trong nước.
Các sự kiện liên tiếp nằm trong một xu hướng lớn khi các tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới tìm đến Việt Nam như một “mảnh đất hứa” trong cơn bão địa chính trị toàn cầu. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Foxconn - một nhà cung ứng lớn của Apple, cũng công bố khoản đầu tư 80 triệu đô la Mỹ vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang.
Lần lượt Meta - công ty mẹ Facebook hay hãng hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng có kế hoạch tiến vào Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi ngày 10/12 của RMIT Việt Nam được VnEconomy dẫn lại, Tiến sĩ Sam Goundar - Giảng viên cấp cao ngành CNTT, coi các khoản đầu tư này là những cột mốc đáng chú ý.
"Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu. Những động thái này cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến của sản xuất giá rẻ", ông nhận định.
Theo ông, những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam rất đa dạng, từ dân số trẻ và am hiểu công nghệ, đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ và vị trí địa lý chiến lược.
"Việt Nam đem đến sự kết hợp của nhiều điều kiện thuận lợi - vị trí gần Trung Quốc, chi phí phải chăng và nguồn lao động lành nghề ngày càng tăng. Nhìn chung, đây là thời cơ tốt để Việt Nam vừa thu hút thêm nhiều đầu tư quốc tế, vừa củng cố ngành công nghệ trong nước”, vị tiến sĩ cho hay.
Còn theo Tiến sĩ Jeff Nijsse - Giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm tại RMIT Việt Nam, Nvidia là công ty giá trị nhất thế giới, khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ toàn bộ ngành công nghiệp trong nước.
"Nvidia không phải là công ty công nghệ lớn đầu tiên vào Việt Nam, nhưng họ là công ty AI lớn nhất", ông nhấn mạnh.
Theo ông, động lực thúc đẩy khoản đầu tư này đến từ nguồn tài nguyên dữ liệu: "Các mô hình AI được đào tạo trên các đơn vị xử lý đồ họa (GPU), vốn là sản phẩm chính của NVIDIA, nhưng chúng cần thu thập rất nhiều dữ liệu để tạo ra phần mềm hữu ích. Dữ liệu như vậy ngày càng có giá trị hơn.
Với lượng dân số lớn, Việt Nam có lợi thế về mặt dữ liệu, nhưng chúng ta phải thận trọng trong cách thu thập, sử dụng và trả phí khai thác dữ liệu. Việc NVIDIA mua lại VinBrain cho phép họ đi tắt đón đầu về dữ liệu sức khỏe và họ sẽ tìm cách phát triển sản phẩm cho các lĩnh lực khác nữa”, ông nói.
Tại một sự kiện diễn ra đầu tháng 11, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, cũng khẳng định mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu.
“Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và toàn thế giới. Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng nhất của thế giới mới. Vậy làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch, quyền sở hữu dữ liệu ra sao? Chúng ta chưa xác định được. Cần phải suy nghĩ thấu đáo về chuyện này”, ông Bình đặt vấn đề.
Thực tế, về phía các “gã khổng lồ” công nghệ khi đặt chân tới Việt Nam cũng thừa nhận Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt là về dữ liệu và con người.
Sau lễ ký thoả thuận hợp tác vào tối 5/12, ông Jensen Huang đã chia sẻ rằng: ”Với rất nhiều đam mê và nhiệt huyết, Thủ tướng đã thuyết phục tôi rằng Việt Nam nên là ngôi nhà của Nvidia trong tương lai. Người dân Việt Nam, các cơ hội ở Việt Nam là lý tưởng để đầu tư”.
Ông Huang nhận định đây là giai đoạn hoàn hảo để Việt Nam xây dựng tương lai về trí tuệ nhân tạo của mình trong bối cảnh ngành công nghệ đang được "thiết lập lại" với sự phát triển của AI.
Người đứng đầu Nvidia nhấn mạnh AI học hỏi từ những dữ liệu có sẵn, vì vậy Việt Nam cần coi dữ liệu là tài nguyên quốc gia.
Mặt khác, ông đánh giá người Việt có thế mạnh về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), từ đó tạo nên đội ngũ kỹ sư phần mềm đông đảo. Ông cho rằng họ có thể được đào tạo chuyên sâu hơn từ trung tâm nghiên cứu và phát triển của hãng.
Từ cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ của các công ty như Nvidia và sự hỗ trợ, khuyến khích từ Chính phủ, CEO Nvidia tin Việt Nam có cơ hội tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp AI phong phú và sôi động.
"Tôi tin một ngày nào đó, khi nói về Việt Nam, ngoài văn hóa, con người, ẩm thực, nông nghiệp, mọi người cũng sẽ nói về một quốc gia tiên tiến về công nghệ. Cảm ơn các bạn đã chào đón chúng tôi đến Việt Nam và biến Việt Nam thành ngôi nhà của Nvidia. Hôm nay là ngày khai sinh của chúng tôi”, Jensen Huang nói.