Vinaconex muốn thoái toàn bộ 51% cổ phần tại Vinaconex ITC
Vinaconex muốn chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR đang sở hữu, tương đương 51% cổ phần, với giá bán tối thiểu là 48.000 đồng/cổ phiếu.
Vinaconex ITC là chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina. (Ảnh phối cảnh dự án Cát Bà Amatina)
Ngày 30/6, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc phê duyệt chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR).
Theo đó, Vinaconex quyết định chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR đang sở hữu, tương đương 51% cổ phần, với giá bán tối thiểu là 48.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 11% so với giá chốt phiên ngày 30/6), tương ứng số tiền thu về không thấp hơn 5.140 tỷ đồng. Hình thức bán vốn là bán trực tiếp cho các nhà đầu tư quan tâm.
Vinaconex ITC hiện là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà (tên thương mại là Cát Bà Amatina). Dự án có tổng diện tích 172,37 ha, tổng mức đầu tư 10.942 tỷ đồng, định hướng là khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng với quy mô 1.300 căn biệt thự đơn lập, song lập, liền kề; các tòa nhà cao tầng hỗn hợp; các tòa căn hộ dịch vụ; khu biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang và khu khách sạn (gồm các khách sạn mini, các khách sạn 5 sao và các khách sạn siêu cao cấp; các khu vui chơi giải trí trong nhà, ngoài trời, trung tâm thương mại, bến du thuyền…).
Đây được xác định là dự án trọng điểm của Vinaconex ITC kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn vào năm 2010. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án vẫn chưa thể hoàn thành như kế hoạch và tập đoàn mẹ Vinaconex đã nhiều lần đứng ra thu xếp, cấp vốn cho dự án này dưới nhiều hình thức, từ tín dụng, trái phiếu đến phát hành riêng lẻ.
Vào cuối năm 2023, Vinaconex đã phải rút 2.200 tỷ vốn đầu tư tại dự án để giảm lãi trái phiếu. Ngoài ra, Vinaconex cũng đã lên phương án bán một phần dự án Cát Bà Amatina.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết dự án Cát Bà Amatina đã hoàn thành cơ bản hạ tầng, trong đó khối lượng thực hiện tại dự án năm 2024 đạt khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2025.
Theo lãnh đạo Vinaconex, hiện tại Vinaconex ITC chưa ký chính thức với bất kỳ đối tác nào. Tuy nhiên, công ty "đã có đối tác" và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.
"Về kỳ vọng lợi nhuận tại dự án, ai cũng muốn cao nhưng nó còn phụ thuộc vào giá, vào biến động của thị trường và khả năng của khách hàng. Do đó, công ty sẽ cố gắng trong năm 2025 bán buôn một phần và cũng có thể là số lượng tương đối lớn để đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận", Tổng Giám đốc Vinaconex nói và khẳng định nguyên tắc là phải có lãi và cũng phải có lãi tương đối. Song công ty chưa thể tiết lộ số liệu này vì đang trong quá trình đàm phán.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vinaconex ITC, doanh nghiệp này cũng đặt kỳ vọng dự án Cát Bà Amatina sẽ có những đóng góp tương đối vào doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 1.793 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 569 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến so với mức doanh thu 3 tỷ đồng và khoản lỗ gần 22 tỷ đồng của năm 2024.
Tuy nhiên, kết thúc quý I, công ty không ghi nhận doanh thu bán hàng, trong khi lợi nhuận sau thuế âm hơn 5,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 545 tỷ đồng.
Đến cuối quý I, nợ vay của Vinaconex ITC ở ức 2.113 tỷ đồng, bao gồm 495 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.618 tỷ đồng vay dài hạn.
Tại ngày 31/12/2024, tổng quy mô tài sản của công ty ở mức 5.260 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó, tài sản dở dang dài hạn chiếm tới 93,5% tổng tài sản, tương đương 4.920 tỷ đồng - đều là chi phí xây dựng dở dang tại dự án Cát Bà Amatina.