Cách tính nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 67
Dưới đây là cách tính nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 178.
Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy tại Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 178 bổ sung thêm 1 số trường hợp. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
So với Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP thì chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy tại Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 178 bổ sung thêm trường hợp:
Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Cách tính nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 178 như sau:
Thứ nhất, chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy:
(1) Đối với trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, được hưởng 3 khoản trợ cấp sau:
(i) Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm:
Đối với người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.
Đối với người nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm.
(ii) Trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm: Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 05 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 x Số năm nghỉ sớm.
(iii) Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + 0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi.
(2) Đối với trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, được hưởng 03 khoản trợ cấp sau:
(i) Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm:
Đối với người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng.
Đối với người nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,45 x 60 tháng.
(ii) Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm:
Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 04 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 4 x Số năm nghỉ sớm.
(iii) Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + 0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi...
Thứ hai, chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:
- Đối với người nghỉ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2025 thì được hưởng:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tháng tiền lương hiện hưởng x số tháng nghỉ sớm
- Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2025 thì được hưởng:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tháng tiền lương hiện hưởng x số tháng nghỉ sớm x 0,5...