A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiệp đoàn chăm lo cho người lao động tự do

Thời gian qua, các cấp Công đoàn ở Quảng Nam quan tâm đã phát triển đoàn viên trong ngành nghề lao động tự do, trở thành chỗ dựa cho đoàn viên lúc khó khăn.

Nghiệp đoàn chăm lo cho người lao động tự do

Nghiệp đoàn Tiểu thương chợ Tam Kỳ ra đời sẽ là điểm tựa cho đoàn viên, tiểu thương lúc khó khăn. Ảnh: Lê Thu

Phát triển công đoàn trong lao động tự do

571 tiểu thương tại chợ Tam Kỳ vừa được kết nạp vào Nghiệp đoàn Tiểu thương chợ TP Tam Kỳ với kỳ vọng họ có thể tiếp cận các chính sách an sinh xã hội cũng như được bảo đảm quyền lợi chính đáng.

Bà Trần Thị Na (60 tuổi), tiểu thương bán rau củ quả ở chợ Tam Kỳ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia vào một tổ chức. Sau khi được tuyên truyền, tôi hiểu được vai trò của Nghiệp đoàn và hy vọng tổ chức sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho những tiểu thương như tôi”.

Chị Lê Thị Thanh Ngọc, Chủ tịch lâm thời Nghiệp đoàn Tiểu thương chợ TP Tam Kỳ cho biết, sau khi được công nhận, Ban chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn Tiểu thương chợ thành phố Tam Kỳ được ra mắt với 7 thành viên, sẽ tập trung vận động đoàn viên Nghiệp đoàn thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị; chung tay chăm lo, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ, chia sẻ cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Chỉ tính riêng tại TP Tam Kỳ, đến nay, đã có 3 Nghiệp đoàn được thành lập là Nghiệp đoàn Nghề cá; Nghiệp đoàn Nhóm trẻ mầm non tư thục và Nghiệp đoàn Tiểu thương chợ Tam Kỳ, với tổng cộng hơn 1.100 đoàn viên.

“Thời gian tới, Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để tăng thêm số lượng đoàn viên tại các chợ Hòa Hương, chợ Vườn Lài. Đồng thời, tiếp tục khảo sát để thành lập thêm những Nghiệp đoàn của những ngành nghề tự do khác” - bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Tam Kỳ cho biết.

Thiết thực chăm lo cho đoàn viên

Tính đến cuối tháng 7.2024, tỉnh Quảng Nam có 15 nghiệp đoàn cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Trong đó có 11 nghiệp đoàn nghề cá, 1 nghiệp đoàn xích lô và 1 nghiệp đoàn ghe bơi, 1 nghiệp đoàn nhóm trẻ mầm non tư thục và 1 nghiệp đoàn tiểu thương, với gần 8.000 lao động.

Đội ngũ cán bộ ở 15 NĐCS hiện là hơn 350 người, phần lớn có trình độ học vấn, uy tín, làm tốt công tác quản lý...

Ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang - cho biết, nguồn quỹ của đơn vị xã phát triển lên được gần 200 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của các cấp và nguồn xã hội hóa, qua đó kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên gặp khó khăn, động viên, khích lệ đoàn viên kiên tâm bám biển.

Cuối năm 2023, khi 2 tàu cá ở Núi Thành gặp nạn chìm tàu, các cấp Công đoàn đã vận động xã hội hóa, hỗ trợ cho nạn nhân tử vong và gia đình ngư dân gặp nạn tổng cộng hơn 300 triệu đồng, ông Điểu chia sẻ.

Theo ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, thời gian tới LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các nghiệp đoàn mới thành lập, để trợ lực cho các nghiệp đoàn - xứng đáng là chỗ dựa của người lao động.

“Làm sao để mỗi người lao động gia nhập nghiệp đoàn phải có quyền lợi hơn khi chưa tham gia. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ nghiệp đoàn phải được kiện toàn và phải thu hút được những người có tâm huyết, trách nhiệm. LĐLĐ tỉnh sẽ làm việc với các địa phương để tạo cơ chế thuận lợi cho các nghiệp đoàn phát triển bền vững” - ông Quang nói.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Công đoàn Quảng Nam đã thành lập mới 3 tổ chức Nghiệp đoàn cơ sở gồm: Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Nam (huyện Thăng Bình), Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) và Nghiệp đoàn Tiểu thương chợ Tam Kỳ, với tổng cộng gần 1.000 đoàn viên tham gia. Tại lễ trao quyết định thành lập các Nghiệp đoàn, Công đoàn cấp trên và địa phương đã tặng 30 suất quà cho đoàn viên và hỗ trợ gần 1.000 lá cờ Tổ quốc, động viên ngư dân vươn khơi bám biển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan