Giảm trào ngược axit với phương pháp nhịn ăn gián đoạn
Nhịn ăn gián đoạn có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng trào ngược axit nhờ giúp dạ dày nghỉ ngơi hợp lý và giảm áp lực lên thực quản.
Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp làm giảm các triệu chứng trào ngược axit. Đồ hoạ: Thiện Nhân
Trào ngược axit (GERD) là một tình trạng phổ biến, xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát vùng ngực, đầy hơi, ợ chua. Bên cạnh việc dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn, nhiều người quan tâm đến phương pháp nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting - IF) như một cách tự nhiên để cải thiện các triệu chứng.
Nhịn ăn gián đoạn là chế độ ăn uống theo chu kỳ, luân phiên giữa các giai đoạn ăn và nhịn ăn. Phổ biến nhất là phương pháp 16:8, tức là ăn trong 8 giờ và nhịn ăn 16 giờ mỗi ngày. Một số người cũng áp dụng phương pháp 5:2 (ăn bình thường 5 ngày, ăn rất ít trong 2 ngày còn lại). Điểm đặc biệt của IF là không tập trung vào việc ăn gì, mà nhấn mạnh vào thời điểm ăn.
Nhịn ăn gián đoạn ảnh hưởng thế nào đến trào ngược axit?
Theo Tiến sĩ Manoj Gupta, Trưởng khoa Ghép gan và Phẫu thuật tiêu hóa tại Bệnh viện PSRI (Delhi, Ấn Độ), việc giới hạn khung giờ ăn có thể làm giảm tần suất tiếp xúc axit trong thực quản.
Giảm áp lực lên dạ dày: Ăn trong khung giờ cụ thể với lượng vừa phải giúp dạ dày có thời gian nghỉ ngơi, giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới - yếu tố chính gây trào ngược.
Giảm đầy hơi và tích tụ khí: Ăn ít bữa hơn, tránh ăn khuya có thể giúp giảm khí trong dạ dày, từ đó giảm nguy cơ axit trào ngược.
Tối ưu quá trình làm rỗng dạ dày: Khoảng thời gian nhịn ăn dài giúp dạ dày rỗng hoàn toàn trước khi ăn tiếp, tránh tình trạng quá tải tiêu hóa.
Phương pháp IF nào phù hợp nhất với người trào ngược axit?
Tiến sĩ Gupta khuyến nghị phương pháp 16:8 là lựa chọn an toàn và hiệu quả cho người bị trào ngược axit. Lý do là:
Ăn sớm trong ngày, tránh ăn đêm muộn, thời điểm axit dễ trào ngược nhất.
Có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn trước khi ngủ.
Lưu ý khi áp dụng
Người có tiền sử bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hóa hoặc đang điều trị nên tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu nhịn ăn gián đoạn.
Tránh ăn quá nhiều trong khung giờ cho phép, vì có thể khiến dạ dày bị áp lực ngược lại.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh, tránh thức ăn chiên rán, cay nóng, cà phê và rượu.