Ăn măng cụt đúng cách để kiểm soát lượng đường trong máu
Măng cụt có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu nếu được sử dụng đúng cách.
Ăn măng cụt đúng cách có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Ảnh: Quang Minh.
Phần vỏ măng cụt chứa nhiều xanthone, một nhóm polyphenol có khả năng chống viêm, kháng khuẩn và điều hòa chuyển hóa glucose.
Nghiên cứu công bố trên Journal of Ethnopharmacology cho thấy, chiết xuất xanthone từ vỏ măng cụt giúp ức chế enzym alpha-glucosidase và alpha-amylase, hai enzym liên quan đến việc phân giải carbohydrate thành glucose, từ đó làm chậm hấp thu đường sau bữa ăn.
Sau 26 tuần sử dụng chiết xuất vỏ măng cụt liều thấp, nhóm bệnh nhân tiểu đường type 2 có mức HbA1c giảm trung bình 0,6% và đường huyết lúc đói ổn định hơn so với nhóm dùng giả dược.
Tình trạng kháng insulin - đặc trưng trong bệnh tiểu đường type 2 là yếu tố chính gây rối loạn chuyển hóa. Theo phân tích tổng hợp của Nutrition & Diabetes (Nature), xanthone từ măng cụt giúp giảm biểu hiện của cytokine viêm (TNF-alpha, IL-6) và tăng độ nhạy insulin ở mô cơ.
Việc này giúp cải thiện khả năng sử dụng glucose của cơ thể mà không phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc.
Măng cụt còn chứa vitamin C, folate và mangan - những vi chất vi lượng có vai trò trong quá trình chống oxy hóa và hỗ trợ chuyển hóa năng lượng tại gan và tuyến tụy.
Ăn măng cụt thế nào để không làm tăng đường huyết?
Mặc dù phần thịt măng cụt ngon ngọt, nhưng nó vẫn chứa fructose tự nhiên, có thể làm tăng đường máu nếu ăn quá mức. Vì vậy, cách ăn măng cụt đúng cách với người cần kiểm soát đường huyết là:
Ăn từ 1-2 quả nhỏ mỗi lần, tối đa 3 lần/tuần. Mỗi quả trung bình chứa khoảng 10-12g carb, tương đương 1/2 khẩu phần trái cây.
Nên ăn vào giữa buổi sáng hoặc buổi chiều, tránh ăn khi đói hoặc ngay sau bữa cơm chính vì sẽ làm tăng chỉ số đường huyết tổng thể.
Không uống nước ép măng cụt đóng chai, thường chứa thêm đường hoặc chất tạo ngọt, gây nguy cơ tăng đường máu nhanh chóng.
Kết hợp với chất béo lành mạnh như vài hạt óc chó hoặc sữa chua Hy Lạp không đường để làm chậm hấp thu đường.
Một số sản phẩm bổ sung trên thị trường hiện nay có chiết xuất vỏ măng cụt dạng bột hoặc viên.
Liều dùng an toàn xanthone từ vỏ măng cụt là dưới 400mg/ngày, không nên tự ý sử dụng liều cao hoặc dùng vỏ tươi pha trà nếu chưa được xử lý sạch vì nguy cơ nhiễm vi sinh vật hoặc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.