A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách hỗ trợ công chức lãnh đạo cấp phòng sau sáp nhập

Bộ Nội vụ thông tin về việc công chức lãnh đạo được hưởng chính sách theo Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025).

Chính sách hỗ trợ công chức lãnh đạo cấp phòng sau sáp nhập

Bộ Nội vụ giải đáp thắc mắc với trường hợp công chức lãnh đạo cấp phòng xin nghỉ việc sau sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Quang

Trước ngày 1.3.2025, bà Nguyễn Thị Trà (tên nhân vật được thay đổi) công tác tại Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ tỉnh, giữ chức vụ Phó Trưởng ban và được hưởng phụ cấp chức vụ 0,5.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", theo Đề án được duyệt thì ngoài việc sáp nhập Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vào Sở Nội vụ, còn có thay đổi tổ chức bên trong là tổ chức lại Ban Thi đua - Khen thưởng thành Phòng Thi đua - Khen thưởng thuộc Sở.

Do đó, từ ngày 1.3.2025, bà được Giám đốc Sở bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Thi đua - Khen thưởng và hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định (0,3).

Sau khi tổ chức lại, số lượng biên chế và cấp phó của Phòng Thi đua - Khen thưởng không thay đổi (không dôi dư theo quy định).

"Như vậy, trường hợp của tôi khi xin nghỉ việc và được cấp có thẩm quyền đồng ý, thì tôi có được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 9 Nghị định 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025 không)?" - bà Trà hỏi.

Liên quan đến phản ánh, kiến nghị trên, Bộ Nội vụ đã có phản hồi trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ cho biết, công chức lãnh đạo quản lý theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025) là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý cùng cấp cao hơn so với quy định.

Theo đó, trường hợp của bà là công chức lãnh đạo cấp phòng, cần xem xét tổng số lượng công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc Sở Nội vụ (sau khi đã sáp nhập Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào Sở Nội vụ) cao hơn so với quy định thì thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025).

Với cán bộ, công chức có tuổi đời từ đủ 2 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020 và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định này, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

1. Được hưởng trợ cấp thôi việc:

a) Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

b) Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

2. Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

4. Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật