Cách chăm sóc tim mạch khi bạn bị tiểu đường
Người mắc tiểu đường cần chăm sóc tim mạch đúng cách để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Cách chăm sóc tim mạch khi bạn bị tiểu đường. Đồ hoạ: Thiện Nhân
Theo Tiến sĩ Shrey Kumar Srivastav, Cố vấn cao cấp và Bác sĩ tại Bệnh viện Sharda (Ấn Độ), bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Vì vậy, việc chăm sóc tim mạch là yếu tố sống còn đối với người mắc bệnh tiểu đường. Dưới đây là những cách giúp bảo vệ trái tim của bạn.
Kiểm soát lượng đường huyết ổn định
Đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể làm tổn thương các mạch máu và hệ thần kinh điều khiển tim. Người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên và duy trì trong mức mục tiêu mà bác sĩ đưa ra. Một chế độ ăn cân bằng, luyện tập đều đặn và dùng thuốc đúng cách sẽ giúp kiểm soát tốt chỉ số đường huyết.
Ăn uống lành mạnh cho tim
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cả bệnh tiểu đường lẫn sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số khuyến nghị dinh dưỡng:
Tăng cường: Rau lá xanh, bông cải xanh, quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, quinoa, bánh mì nguyên cám), chất béo lành mạnh (bơ, các loại hạt, dầu ô liu), protein nạc (gà, cá béo như cá hồi, đậu, đậu phụ).
Hạn chế: Chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường tinh luyện là những yếu tố có thể làm tăng cholesterol và gây viêm mạch máu.
Tập luyện thể dục đều đặn
Tập thể dục giúp tăng độ nhạy insulin, giảm cân và cải thiện chức năng tim mạch. Bạn nên cố gắng hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc yoga. Trước khi bắt đầu chương trình tập luyện mới, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Ngưng hút thuốc và hạn chế rượu bia
Thuốc lá và rượu là hai yếu tố làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Bỏ thuốc lá không chỉ giúp giảm huyết áp và cholesterol mà còn cải thiện lưu thông máu. Uống rượu cần được hạn chế, hoặc tốt nhất là kiêng hoàn toàn, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc điều trị.
Quản lý căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể khiến huyết áp tăng và đường huyết dao động. Hãy thử các biện pháp giảm stress như thiền định, hít thở sâu, nghe nhạc thư giãn, hoặc trò chuyện với người thân. Giấc ngủ đầy đủ và chất lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho tim khỏe mạnh.
Thăm khám định kỳ với bác sĩ
Người bị tiểu đường nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương tim mạch. Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim, hoặc đo chỉ số ABI để đánh giá nguy cơ tim mạch.