Bí quyết ăn cà chua cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một trong những bệnh lý gan phổ biến nhất hiện nay.
Cà chua là “trợ thủ” đắc lực trong việc cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Ảnh: Quang Minh.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp phục hồi gan là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Trong đó cà chua nổi lên như một thực phẩm tiềm năng nhờ chứa nhiều hợp chất sinh học có lợi cho gan.
Cà chua là thực phẩm giàu lycopene, một loại carotenoid có đặc tính chống ôxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do stress ôxy hóa - một trong những cơ chế chính gây gan nhiễm mỡ.
Nghiên cứu từ Journal of Nutritional Biochemistry cho thấy, lycopene có khả năng giảm tích tụ lipid trong gan, ức chế quá trình viêm và cải thiện độ nhạy insulin, những yếu tố then chốt trong kiểm soát NAFLD.
Một nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Nutrition (2023), cũng khẳng định rằng, những con chuột mắc gan nhiễm mỡ được bổ sung chiết xuất cà chua đã giảm 38% lượng mỡ gan sau 8 tuần.
Điều này mở ra triển vọng ứng dụng cà chua như một phần của chế độ ăn trị liệu cho người mắc bệnh gan.
Cách ăn cà chua để phát huy hiệu quả bảo vệ gan:
Ăn cà chua chín nấu chín kèm dầu oliu
Điều đặc biệt là lycopene trong cà chua dễ hấp thu hơn khi được nấu chín. Nồng độ lycopene trong máu tăng lên gấp 2-3 lần sau khi ăn cà chua nấu chín so với ăn sống.
Vì vậy, các món như súp cà chua, cà chua xào với dầu oliu hoặc nướng lò là lựa chọn thông minh.
Ăn đều đặn mỗi ngày lượng vừa phải
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Dinh dưỡng Anh (BDA), nên bổ sung khoảng 1-2 quả cà chua (100–150g) mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe gan mà không gây rối loạn tiêu hóa hay dư thừa lycopene.
Ăn quá nhiều cà chua sống có thể gây cồn ruột hoặc kích ứng dạ dày đối với người nhạy cảm.
Tránh kết hợp với đường hoặc thực phẩm chế biến
Không nên ăn cà chua cùng đường (như trong các món mứt, sinh tố ngọt), vì đường tinh luyện là yếu tố làm trầm trọng tình trạng mỡ gan.
Đồng thời, nên tránh dùng cà chua đóng hộp có chất bảo quản hoặc muối cao, vì natri dư thừa gây giữ nước, làm tăng gánh nặng cho gan.
Không chỉ tác động tại gan, lycopene còn có vai trò toàn diện trong giảm viêm hệ thống và cải thiện chức năng chuyển hóa.
Một phân tích tổng hợp từ American Journal of Clinical Nutrition (2023) ghi nhận, người có chế độ ăn giàu lycopene có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, bao gồm gan nhiễm mỡ, thấp hơn 28% so với nhóm đối chứng.