Ăn trứng gà thế nào để tốt cho sức khỏe tim mạch
Trứng gà chứa nguồn protein chất lượng cao, có dưỡng chất tốt cho tim mạch nếu sử dụng đúng cách. Vậy ăn trứng như thế nào để bảo vệ trái tim?
Trứng gà, nếu được sử dụng đúng cách, không chỉ an toàn cho tim mạch mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe toàn diện. Ảnh: Kiều Vũ.
Ăn 1 quả trứng mỗi ngày không làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở người khỏe mạnh. Trứng có chứa cholesterol (khoảng 186 mg/quả), nhưng phần lớn cholesterol trong máu lại được gan sản xuất, chứ không trực tiếp từ thực phẩm.
Một nghiên cứu lớn được công bố trên Tạp chí Y học Anh phân tích dữ liệu từ hơn 177.000 người ở 50 quốc gia, cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiêu thụ trứng và nguy cơ tim mạch hoặc tử vong do bệnh tim mạch.
Ngược lại, ở mức tiêu thụ hợp lý, trứng có thể hỗ trợ một chế độ ăn cân bằng.
Trứng là nguồn giàu choline, một chất cần thiết cho chức năng thần kinh và chuyển hóa chất béo, giúp ngăn ngừa sự tích tụ mỡ trong gan và mạch máu.
Người lớn cần khoảng 425-550mg choline mỗi ngày, và một quả trứng đã cung cấp khoảng 147mg, hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch và gan.
Lòng đỏ trứng chứa lutein và zeaxanthin, hai chất chống ôxy hóa không chỉ tốt cho mắt mà còn giúp ngăn ngừa viêm và xơ vữa động mạch.
Vậy ăn trứng thế nào mới tốt cho tim mạch?
Ăn vừa đủ - tối đa 1 quả mỗi ngày
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người khỏe mạnh có thể ăn 1 quả trứng/ngày, người có cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch nên giới hạn 3-4 quả/tuần, và cần cân bằng với tổng lượng cholesterol từ thực phẩm khác (như thịt đỏ, đồ chiên...).
Ưu tiên luộc, hấp
Trứng luộc là lựa chọn lý tưởng để bảo vệ tim mạch. Khi chiên trứng với nhiều dầu, đặc biệt là mỡ động vật, sẽ làm tăng hàm lượng chất béo bão hòa và transfat, yếu tố làm tăng cholesterol xấu LDL và nguy cơ viêm mạch máu.
Chiên trứng ở nhiệt độ cao có thể làm mất chất chống ôxy hóa trong lòng đỏ và tạo ra các hợp chất có hại cho tim.
Kết hợp với rau xanh và ngũ cốc nguyên cám
Trứng khi ăn kèm với các thực phẩm giàu chất xơ như bông cải xanh, rau bina, yến mạch hoặc bánh mì nguyên cám, giúp hạn chế hấp thụ cholesterol và cải thiện chuyển hóa lipid trong máu.
Một nghiên cứu từ European Journal of Nutrition cho thấy, chế độ ăn có trứng kết hợp rau củ và chất xơ giúp giảm mỡ máu hiệu quả hơn so với ăn trứng đơn lẻ hoặc kết hợp với thực phẩm giàu chất béo.